Cái ôm chặt nơi đảo chìm

|

NDO - NDĐT – Chuyến đi Trường Sa và nhà giàn DK với đoàn công tác số 12 trong năm qua của tôi diễn ra vào mùa biển lặng. Và những câu chuyện tôi ghi lại được trong chuyến đi cũng lặng thầm như biển, nhưng đằng sau sự âm thầm ấy là sự hy sinh cao cả của người chiến sĩ nơi đầu sóng.

Vào một sáng tại đảo chìm Tốc Tan B, tôi đứng ngoài cửa sổ căn phòng họp chật chội ở tầng hai để dỏng tai nghe cuộc trao đổi giữa thủ trưởng đoàn với cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Thường thì không mấy khi phóng viên chúng tôi có đủ thời gian để theo dõi toàn bộ những cuộc gặp gỡ và giao lưu như thế này mà chỉ nghe những báo cáo chính rồi tranh thủ đi thăm thú, tìm hiểu và phỏng vấn nhân vật.

Một thông tin trong báo cáo tổng kết của Thiếu tá, đảo trưởng Tốc Tan Ngô Chí Thực đã cuốn hút tôi. Đó là trong một tháng, quân y của đảo đã cấp cứu thành công cho hai ngư dân: Một ngư dân ở Quảng Ngãi lặn sâu bị áp lực nước làm bất tỉnh, bác sĩ đã sơ cứu kịp thời và chuyển đi, nếu chỉ để chậm vài tiếng nữa thì sẽ khó qua khỏi. Một ngư dân khác bị lưỡi câu móc, nhiễm trùng sưng tấy cả bàn tay, nếu không cứu chữa kịp thời sẽ hoại tử.

Tôi đi trên tàu Bệnh viện của Việt Nam và được biết trên con tàu hiện đại này trang bị một buồng giảm áp để cứu chữa cho những ngư dân bị tai biến do áp lực khi lặn. Đó là buồng giảm áp duy nhất ở Việt Nam mà lực lượng hải quân trang bị để cứu giúp ngư dân. Và tôi cũng đã nghe kể nhiều câu chuyện đau lòng của ngư dân khi lặn xuống biển, ngoi lên mặt nước là bị tai biến, bị tàn phế hoặc chết do sự thay đổi đột ngột của áp suất. Giờ đây, gặp được một người cứu chữa thành công cho một ngư dân, trong điều kiện trang thiết bị thiếu thốn, một người làm báo như tôi làm sao không lồng lên để đi tìm người bác sĩ xuất sắc đó cho được!

Thế là tôi rời khỏi hội trường nhỏ để tìm đến phòng quân y. Nhưng không may, nơi tôi đang ngồi là điểm đảo Tốc Tan B, còn trụ sở chính của đảo chìm Tốc Tan này, nơi có người bác sĩ kia, là điểm Tốc Tan A. Tôi thoáng buồn, nhưng rồi lại phải tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi ở đây để phỏng vấn những nhân vật khác.

Rồi cũng gần hết thời gian đoàn chúng tôi lưu lại trên đảo chìm này. Mọi người kéo nhau ra cầu cảng đứng để chuẩn bị lên xuồng trở về tàu. Những cán bộ, chiến sĩ trên đảo cũng túa ra đây để tiễn đoàn. Và trong đám người vẫn đang bịn rịn phút chia tay ấy, tôi nhìn thấy nhóm bác sĩ của Cục Quân y đi cùng đoàn đang đứng trao đổi với một người.

Tôi dừng lại hỏi thăm, thì ra anh là bác sĩ trên đảo Tốc Tan A, người mà tôi đã tìm kiếm cả buổi không thấy. Đại úy, bác sĩ Bùi Văn Doanh sẽ không lên điểm B đảo Tốc Tan này nếu không phải làm việc với Cục Quân y.

Bác sĩ Bùi Văn Doanh (bên phải) ở cầu cảng điểm đảo Tốc Tan B.

Tôi tự trách mình đã không bám theo các bác sĩ quân y cùng đoàn sớm hơn, giờ thì quá muộn để thực hiện một cuộc phỏng vấn. Nhưng tranh thủ được tý nào hay tý ấy, tôi vẫn đánh bạo hỏi anh vài câu liên quan đến hai ca cấp cứu thành công kia, rồi tiếp đó xin số điện thoại để về đất liền gọi ra hỏi tiếp. Nhưng không ngờ, Doanh không trả lời câu hỏi nào của tôi cả, chỉ một mực nói rằng đó là nhiệm vụ của anh, là công việc hàng ngày anh phải làm và không có gì đáng để nói. Anh cũng nhất quyết không cho tôi số điện thoại.

Tôi không còn cách nào khác, đành gọi đảo trưởng Ngô Chí Thực cũng đang đứng gần đó và nhờ anh Thực nói hộ với bác sĩ Doanh về đề tài tôi muốn tìm hiểu. Anh Thực đồng ý ngay, nhưng còn quá ít thời gian để tôi tác nghiệp. Tôi vừa mặc áo phao vừa hỏi xin số điện thoại vì đến giờ phải ra xuồng.

Chiếc xuồng đầu tiên lên đảo và chiếc xuồng cuối cùng rời đảo bao giờ cũng dành cho đám phóng viên. Tôi bước xuống xuồng và giơ tay chào các anh. Bỗng dưng đại úy Doanh nhảy vội mấy bậc từ cầu cảng lên mũi xuồng đứng. Anh nói anh muốn ôm tôi và giang hai tay chờ sẵn.

Tôi ngồi giữa trên chiếc xuồng đã lèn chặt người, bối rối vì không biết bao nhiêu ánh mắt đang đổ dồn về phía mình nên không dám đứng lên. Lúc đó, một nữ phóng viên ngồi gần mũi xuồng đã tình nguyện đứng dậy. Một cái choàng ôm thân thiết giữa hai người đã diễn ra giữa tiếng reo hò của lính đảo cùng ống kính máy ảnh, máy quay của đám phóng viên chúng tôi. Người lính quân y quay bước lên bờ khi xuồng nổ máy. Đầu anh cúi thấp như đang che giấu một điều gì đó. Tôi và nhiều nữ phóng viên trong đoàn thút thít khóc. Nhìn lên cầu cảng đang dần xa, tôi cũng thấy anh giơ tay quệt nước mắt. Mọi người nói với nhau, lần chia tay đảo chìm nào cũng bịn rịn và khó quên như thế.

Đảo chìm Tốc Tan bịn rịn tiễn khách.

Rồi thì chuyến thăm đảo chìm Tốc Tan cũng sẽ tan lẫn trong cảm giác chung của những chuyến thăm đảo chìm khác, nếu trưa hôm đó, lúc đang chuẩn bị để một giờ chiều kịp lên đảo Phan Vinh, tôi không nhận được điện thoại của anh.

Giữa tiếng sóng biển vỗ chân đảo chìm, giữa tiếng cụng ly của những người lính đảo đang chưa hết cơn vui vì có đoàn ghé thăm, tôi nghe thấy tiếng khóc của anh. Lần đầu tiên tôi nghe tiếng một người đàn ông khóc qua điện thoại. Anh khóc và hỏi tôi tại sao lúc đó không đứng dậy cho anh ôm. Anh nói chỉ muốn ôm tôi để chuộc lỗi...

Thì ra, khi tôi quay chân bước lên xuồng là lúc đảo trưởng quay ra phía anh và khiển trách anh không hoàn thành nhiệm vụ vì đã không cung cấp thông tin cho tôi. Lúc đó, anh không kịp nghĩ gì nhiều mà lao ra cầu cảng và nhảy lên mũi xuồng... Tôi chợt thấy ân hận chỉ vì việc tác nghiệp và theo đuổi nhân vật đến cùng của mình đã ảnh hưởng đến một bác sĩ quân y tận tụy, khiêm tốn như anh.

Sau này, tôi được biết ngư dân được anh cứu đó là Nguyễn Vương, 36 tuổi, thuyền viên tàu QG-95086 ở Quỳnh Sơn, Quảng Ngãi. Anh Vương lặn xuống độ sâu dưới 30-40m để cạy những con ốc biển đã sống hàng chục năm tuổi dưới đáy biển sâu. Khi được cứu sống, anh Vương đã tặng lại những con ốc đó cho bác sĩ Doanh. Và khi bác sĩ Doanh ngỏ ý gửi về đất liền tặng lại tôi những chiếc vỏ ốc quý thì tôi đã không nhận, bởi tôi muốn anh giữ lại những kỷ vật quý giá đó cho riêng mình.

Trang web tải điện tử T1