Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công không ngừng hoàn thiện và ngày càng tốt hơn. Chính sách ưu đãi người có công đầu tiên là Sắc lệnh số 20/SL ngày 16/2/1947 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành quy định về hưu bổng thương tật, tiền tuất cho thân nhân tử sĩ. Từ năm 1947 đến nay, đã có hàng trăm văn bản được ban hành về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Từ năm 1986, cùng với công cuộc đổi mới đất nước, hệ thống chính sách, pháp luật nước ta đã có những thay đổi quan trọng để phù hợp tình hình kinh tế-xã hội. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành ban hành nhiều văn bản luật, văn bản quy phạm pháp luật ưu đãi người có công; trong đó, Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng được ban hành năm 1994 (Pháp lệnh Ưu đãi năm 1994) và Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" năm 1994, là hai văn bản pháp luật quan trọng nhất, nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 1992, đánh dấu sự tiến bộ trong hệ thống chính sách ưu đãi xã hội đối với người có công.
Sau 10 năm đi vào cuộc sống, Pháp lệnh Ưu đãi năm 1994 được rà soát, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế. Ngày 9/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021. Ðến nay, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn đã kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Ðảng về ưu đãi người có công với cách mạng qua các thời kỳ.
Ðặc biệt, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 chỉ đạo tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng; đồng thời tiếp tục chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng.
Ngay trong dịp tháng 7 truyền thống lịch sử này, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/NÐ-CP ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NÐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được nâng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng (tăng 26,5%) và được thực hiện từ ngày 1/7/2023, với ngân sách bảo đảm khoảng 33 nghìn tỷ đồng.
Trước đó, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 715/QÐ-CTN ngày 19/6/2023 về việc tặng quà gần 1,4 triệu người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng. Thủ tướng Chính phủ đã xem xét phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để hình thành một hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; bảo đảm người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần.