Kết quả nghiên cứu khoa học đề tài cấp tỉnh "Nghiên cứu, xác định thành phần dân tộc của nhóm người Tà Mun tại Tây Ninh" do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh triển khai, đã và đang xây dựng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của người Tà Mun. Qua đó nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của từng người dân và tạo điều kiện giúp người dân tiếp thu các yếu tố văn hóa mới, phù hợp để phát huy. Ðó cũng là động lực quan trọng giúp người Tà Mun giao lưu hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, từng bước hòa nhập với cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Lễ cúng miếu của người Tà Mun diễn ra vào ngày 16-11 hằng năm, với ý nghĩa nhằm tạ ơn thần đất đã ban cho người Tà Mun có điều kiện trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất… Chủ lễ là già làng (tà tapathuôk), sẽ là người đại diện thắp hương khấn vái, tạ ơn thần linh đã ban cho dân làng mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Lễ cúng miếu được xem là một trong những lễ có quy mô nhất trong các lễ hội của người Tà Mun. Người Tà Mun còn có lễ rước bông, mang ý nghĩa cầu nguyện cho vong linh tổ tiên, những người đã khuất phù hộ cho đời sống hằng ngày của họ được an lành...
Ngoài ra, nghệ thuật thổi kèn môi (chế tác từ những lá đồng) được xem là nét văn hóa độc đáo của người Tà Mun. Hiện, chưa có tài liệu ghi nhận chính xác thời điểm xuất hiện kèn môi trong cộng đồng người Tà Mun, rất ít người còn nhớ tiếng kèn môi, nhất là thanh niên, gần như xa lạ với loại nhạc cụ này.